1.1.2 Chuyển đổi số trong giáo dục đại học
a) Giáo dục đại học trước thách thức chuyển đổi số và các cơ hội khi tham gia vào tiến trình chuyển đổi số
Nhận thức được tầm quan trọng của CĐS, hiện nhiều nước đã xây dựng và triển khai các chiến lược/chương trình quốc gia về CĐS, điển hình như Anh, Úc, Đan Mạch, Estonia, Israel, Mexico, Singapore, Thái Lan, Uruguay, Trung Quốc,… Nội dung CĐS của các nước có khác nhau, phụ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. Trong đó, thực hiện CĐS trong lĩnh vực giáo dục là một trong những hoạt động nhận được nhiều sự quan tâm và đó cũng là nhu cầu tất yếu của tất cả các nước. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình này phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, CĐS được nhận định là chìa khóa nâng cao hoạt động, gia tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, tổ chức thông qua những ưu điểm nổi bật mà nó mang lại như tối ưu chi phí hoạt động, nâng cao năng suất chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ. Đối với giáo dục nói chung, giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng, CĐS mang lại cơ hội áp dụng công nghệ để tạo ra những thay đổi nhanh chóng về mô hình, cách thức tổ chức và phương pháp dạy – học
Hoạt động CĐS trong lĩnh vực giáo dục đang tập trung vào nỗ lực hỗ trợ cho hoạt động dạy (giảng viên), học (sinh viên, học viên,…) và thay đổi phương pháp dạy và học - từ trực tiếp (offline) sang các hình thức học tập trực tuyến (online), pha trộn (blended) và lai ghép (hybrid) thông qua ứng dụng công nghệ số. Thông qua CĐS, song song với các lớp học truyền thống với những nhược điểm như chi phí tổ chức cao, không gian phục vụ hạn chế, thời gian cố định… vẫn được duy trì một cách phổ biến, xuất hiện thêm các hình thức đào tạo trong giáo dục có thể triển khai linh hoạt hơn như: đào tạo từ xa, mô phỏng (simulation), lớp học đảo ngược (flipped classrooms), trò chơi hóa (gamification), tài nguyên giáo dục mở (OER) và cá nhân hóa (personalization). Không gian học tập trở nên đa dạng hơn, thay vì những phòng thí nghiệm hay phòng mô phỏng truyền thống thì người học có thể trải nghiệm học tập bằng không gian ảo, có thể tương tác người với người, người với máy như thật thông qua các phần mềm mô phỏng công nghệ thực tế ảo (virtual reality – VR)…
Với CĐS, hình thức tương tác trực tiếp không còn là cách thức duy nhất để thực hiện truyền tải tri thức, việc kết hợp các hình thức học tập trở thành một lựa chọn lâu dài cho học tập trong giáo dục nhằm đảm bảo hoạt động đào tạo diễn ra liên tục trong mọi tình huống. Một ví dụ điển hình là các chương trình dạy kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi của VTV2 trong một thời gian dài đã mang đến cho người nông dân cơ hội được tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ, cách thức sản xuất mới mà không cần phải tìm tòi quá lâu hoặc phải đến tận các nông hội, hợp tác xã hoặc xa hơn là các trường học để nắm bắt được.
Một xu hướng phổ biến hiện nay, đặc biệt có lợi và tiết kiệm cho các cơ sở GDĐH và hoạt động CĐS trong giáo dục là xu hướng các cá nhân tự trang bị thiết bị cá nhân của mình và sử dụng ở mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là điện thoại di động, máy tính xách tay, máy tính bảng và các công cụ tương tự (BYOD – bring your own device). Trong trường hợp này, các cơ sở GDĐH sẽ hạn chế được chi phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ giảng dạy, tiết kiệm chi phí đào tạo cách thức sử dụng thiết bị, và người học đang được hưởng lợi lớn khi trường học được giao đến tận nơi mà người học yêu cầu.
Dữ liệu lớn sẽ là nguồn dữ liệu vô tận để học tập trải nghiệm về phân tích, dự đoán xu hướng hay dự báo một vấn đề xảy ra trong tương lai gần ở mức chính xác cao (ví dụ: trong hội nhập đào tạo có thể dự báo được số lượng tuyển sinh của mỗi năm hay một ứng dụng mới nổi gần đây là AI Chat GPT đã thay đổi cách nhìn nhận của thế giới về khả năng vô hạn của công nghệ dữ liệu). Tài nguyên học tập số trong điều kiện kết nối không gian thật và ảo sẽ vô cùng phong phú, không gian thư viện không còn là địa điểm cụ thể, mà thư viện có thể khai thác mọi lúc mọi nơi, dữ liệu số không giới hạn có thể thay cho không gian thật vừa tốn kém. Chương trình dạy học được thiết kế đa dạng hơn, cụ thể hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu giáo dục cá nhân hóa.
Công nghệ điện toán đám mây với đặc điểm là mô hình dịch vụ lưu trữ thông tin quy mô lớn, dữ liệu có liên quan với công việc nghiên cứu khác nhau, dự án hoặc thông tin có thể tái sử dụng, có thể được giao cho các đám mây lưu trữ quản lý và có thể được truy cập theo yêu cầu, vì vậy, được ứng dụng cao trong các hoạt động quản lý và đào tạo. Nhà trường có thể hợp tác với các cơ sở giáo dục khác để xây dựng một kho lưu trữ thông tin (thư viện số, học liệu số, công trình nghiên cứu khoa học…) theo mô hình lưu trữ tập trung ảo nhằm giảm chi phí lưu trữ để duy trì kho dữ liệu giáo dục và giảm được việc bảo dưỡng các học liệu.
Như vậy, CĐS cho phép giáo dục được thực hiện toàn diện và đầy đủ mà không có gặp mặt, giao tiếp trực tiếp, có nghĩa là phương thức chuyển tải thay đổi từ trực tiếp sang từ xa, đòi hỏi thay đổi ở nhiều khía cạnh.
CĐS trong GDĐH tập trung vào hai nội dung:
(1) CĐS trong đào tạo (dạy, học, kiểm tra, đánh giá) - nghiên cứu khoa học và
(2) CĐS trong quản trị GDĐH (quản trị hành chính, quản trị các phòng ban, quản trị con người, quản trị tài chính…).
Trong đào tạo (dạy, học, kiểm tra, đánh giá) gồm số hóa các học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng E-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các trường đại học ảo (cyber university) … CĐS không chỉ là số hóa bài giảng, hay ứng dụng các phần mềm vào xây dựng bài giảng mà còn là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công. Bên cạnh đó, toàn bộ dữ liệu về quá trình học tập của người học cũng được theo dõi và lưu trữ bằng công nghệ chứ không phải thông qua hệ thống hồ sơ sổ sách thông thường.
Trong nghiên cứu khoa học gồm quản trị các đề tài nghiên cứu khoa học, các bài báo nghiên cứu, các hợp tác nghiên cứu khoa học… dưới dạng số và có trực quan hình ảnh để dễ dàng theo dõi và báo cáo.
Trong quản lý giáo dục (QLGD) bao gồm số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ số để quản lý con người, điều hành, tài chính, hỗ trợ ra quyết định một cách nhanh chóng, chính xác dựa trên các báo cáo, dữ liệu trực quan để theo dõi.
Trong quản lý đầu ra, cần sử dụng những công nghệ mới nhất để hỗ trợ bảo đảm việc đào tạo, đánh giá, kiểm tra, công nhận kết quả và cấp bằng, chứng chỉ là đúng đối tượng. Không chỉ kết quả đánh giá được số hoá, mà quá trình đánh giá cũng phải được triển khai, thực hiện bằng ứng dụng công nghệ trên máy tính.
CĐS kéo các thay đổi cơ chế quản lý, thay đổi cơ cấu tổ chức bên trong, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, chuyển đổi các mối quan hệ, quy trình xử lý thông tin, ra quyết định và giải quyết công việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, cũng như thay đổi việc quản trị các nguồn lực trong cơ sở GDĐH và từ đó sinh ra những giá trị số và văn hóa số trên môi trường ảo.
b) Đối tượng chính của chuyển đổi số trong giáo dục đại học
Đối tượng chính của chuyển đổi số trong giáo dục là:
c) Kết quả của quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học
Quá trình CĐS trong giáo dục đại học tất yếu dẫn đến một mô hình mới trong việc cung cấp các phương pháp học tập và nghiên cứu cho mọi đối tượng người học. Cùng với quá trình CĐS, dần dần sẽ xuất hiện và phát triển một trường đại học "ảo" trên nền tảng số song hành với trường đại học "thực" tại một vị trí địa lý cố định.
Việc xuất hiện những loại học liệu mới, phong phú và đa dạng hơn từ các nguồn cung cấp qua internet, những "giảng đường ảo" có đối tượng người học không phân biệt về vị trí địa lý, trình độ đầu vào và cả những "giảng viên ảo" mới không thuộc biên chế cố định của một cơ sở giáo dục nào... và từ đó sẽ làm phát sinh những yêu cầu mới, những phương pháp quản lý và đánh giá mới cho toàn bộ hoạt động của trường đại học.
Last updated
Was this helpful?