III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Đánh giá chung
3.1 Về thực trạng
Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tại Trường rất được quan tâm và thực hiện liên tục trong nhiều năm qua, đóng góp thiết thực cải thiện hiệu quả, chất lượng công việc. Hầu hết các lĩnh vực chuyên môn, chức năng cơ bản đều có phần mềm ứng dụng. Đặc biệt trong 5 năm trở lại đây nhà trường đã đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, hệ thống thư viện số và các dự án CNTT phục vụ cho hoạt động đào tạo, quản trị nội bộ, thuận lợi hóa cho hoạt động của CBCNV và người học.
Trong 2 năm trở lại đây (2020-2022) nhà trường đã thử nghiệm triển khai một số sự án số hóa và ứng dụng số, bước đầu đạt hiệu quả tốt như: 1) dự án số hóa tài liệu, từng bước hoàn thiện hệ thống lưu trữ tài liệu số; 2) dự án phát triển hệ thống đào tạo từ xa; 3) dự án hoàn thiện các phần mềm cho chuỗi hoạt động đào tạo từ công tác tuyển sinh, quản trị tín chỉ, quản trị tốt nghiệp, quản lý hồ sơ cấp bằng; 4) dự án về thư viện số, phát triển hệ thống tài liệu số; 5) các dự án phần mềm về quản trị cơ sở hạ tầng, phòng học; 6) các dự án tăng cường kết nối cộng đồng thông qua cổng thông tin…
Tuy nhiên, có thể nhận thấy một số điểm như sau:
Thứ nhất: việc đưa vào sử dụng một số phần mềm, ứng dụng còn tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của từng đơn vị. Các phần mềm được cung cấp bởi nhiều nhà cung cấp khác nhau, không có sự đồng nhất về nền tảng, dẫn đến việc một cá nhân trong quá trình làm việc, giảng dạy và học tập được cung cấp nhiều tài khoản ở các ứng dụng khác nhau. Trong khi đó, các ứng dụng này lại không có sự liên thông, đồng bộ về mặt dữ liệu nên dẫn đến những khó khăn cho quá trình thực hiện.
Từ đánh giá các nhóm phần mềm, ứng dụng hiện tại cho thấy, có 2 hệ thống lớn hiện đang liên thông dữ liệu hiệu quả nhất gồm:
- Hệ thống phần mềm phục vụ quản lý giảng dạy và học tập theo hệ thống tín chỉ (do công ty CNPM Anh Quân cung cấp) gồm các module phân hệ dành cho trụ sở chính (gồm cả quyền sử dụng cho Cơ sở Quảng ninh, gồm các module Đại học chính quy, Đại học Liên kết, Đại học phi chính quy và Sau đại học; Module Tài chính – Kế toán và Module quản lý phòng học), module phân hệ dành cho Cơ sở 2 (Đại học chính quy, liên kết, tài chính…). CSDL dùng chung về giảng viên, người học và các dữ liệu quản lý, điều hành khác được lưu thống nhất tại máy chủ tĩnh đặt tại TTCNTT (từ năm 2021) tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình quản lý, điều hành nói chung và theo dõi người học nói riêng.
Từ năm 2021, các module này đã có khả năng liên kết dữ liệu người dùng dùng chung, trên cơ sở danh sách giảng viên và sinh viên thực tế của Nhà trường. (Trước năm 2021, mỗi module phân hệ quản lý đào tạo sẽ cung cấp 1 tài khoản khác nhau cho từng nhóm cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị).
- Hệ thống phần mềm được xây dựng bổ sung trên cơ sở liên kết với ứng dụng sổ tay điện tử (FTU e-Home) gồm các module tuyển sinh trực tuyến, theo dõi và thanh toán giờ giảng, theo dõi và hỗ trợ thực hiện học phần tốt nghiệp, xét tốt nghiệp, theo dõi và quản lý giờ nghiên cứu khoa học với CSDL dùng chung được kế thừa (chưa có liên kết API) từ Hệ thống quản lý tín chỉ và lưu trữ tại server cloud với tài khoản dùng chung dành cho 1 người dùng tại tất cả các module phân hệ nhỏ.
Thứ hai: một số đơn vị chức năng chưa có hoặc chưa đưa vào sử dụng các phần mềm quản lý hiện đại, ví dụ như Phòng TCNS, KTX, HCTH, (hồ sơ y tế, quản lý và lưu trữ văn bản, quản lý hồ sơ), TT ĐBCL (hệ thống thông tin phục vụ lưu trữ, đánh giá trong và đánh giá ngoài)…
Một số đơn vị được giao sử dụng các phân hệ phần mềm chưa khai thác một cách hiệu quả các tính năng của hệ thống.
Thứ ba: việc xây dựng và sử dụng website tổng của Nhà trường còn chậm. Các đơn vị đều có 1 website riêng dẫn đến thông tin cung cấp cho những người quan tâm còn nhiều hạn chế, chưa đạt được hiệu quả truyền thông, hiệu ứng lan tỏa thông tin chung. Lượng truy cập vào website tổng thấp vì người dùng sẽ chủ động tìm kiếm trực tiếp thông tin từ các website con của các đơn vị.
Thứ tư: về hạ tầng kỹ thuật, dù đã được đầu tư nâng cấp trong thời gian gần đây, nhưng về cơ bản vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người dùng ngày càng tăng. Số lượng máy chủ hiện có khấu hao là 0% chiếm phần lớn tổng số máy chủ hiện có. Chỉ có 03 máy chủ được đầu tư mới, có khấu hao còn lại vào năm 2021 là 60% đang được sử dụng để phục vụ các hệ thống quản lý giảng dạy và học tập theo hệ thống tín chỉ cho cả 3 cơ sở.
Một số hệ thống, website hiện nay đang được sử dụng host và server cloud (số lượng rất ít) nhưng đã chứng minh được ưu thế vượt trội của hình thức lưu trữ này.
Hệ thống wifi với rất nhiều điểm kết nối (172) đang phục vụ cho tối đa khoảng 3.000 lượt truy cập internet. Trên thực tế, con số này là thấp đối với số lượng người dùng thường xuyên sử dụng 01 máy tính xách tay và 01 điện thoại thông minh liên tục vào giờ cao điểm.
Băng thông quốc tế (50mb) chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng để dạy học (trong trường hợp cần thiết, khi phải chuyển sang giảng dạy trực tuyến hoặc giảng dạy bằng các phần mềm, ứng dụng có sử dụng băng thông quốc tế).
3.2 Một số rào cản phi công nghệ có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện CĐS
CĐS, như đã phân tích ở trên, là cần thiết nhằm tạo ra những trải nghiệm mới, thú vị hơn, thuận lợi hơn cho cả người học, giảng viên và đội ngũ cán bộ quản lý và đang là một xu thế không thể đảo ngược đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học. Nhưng, CĐS trong giáo dục đại học cũng gặp phải những thách thức rất lớn từ chính những người thực hiện CĐS và những người thụ hưởng.
Về phía người thực hiện, do có những khái niệm khác nhau về CĐS và thang đo của quá trình CĐS, thách thức lớn nhất là về vấn đề xác định những trọng tâm, trọng điểm của quá trình CĐS. Nghiên cứu một số mô hình CĐS của các cơ sở giáo dục cho thấy, một số nơi tập trung vào việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng và lấy đó làm thang đo cho thành công của CĐS. Một số nơi khác lại lấy việc số hóa các tài liệu, học liệu làm thang đo hoặc một số cơ sở lại tập trung vào việc xây dựng các nền tảng… thậm chí, có những cơ sở đã tuyên bố thành công trong quá trình này bằng việc liên tục tạo ra các phần mềm rời rạc, các khóa học được xây dựng bằng các công cụ lỗi thời, thậm chí là các bài giảng được biên tập lại từ những đoạn rời rạc được quay trực tiếp tại lớp học trong quá trình tổ chức lớp học thời điểm dãn cách xã hội do covid-19.
Về phía người học, ngoài việc nhận thấy khối lượng công việc bị tăng lên do tham gia các lớp học trực tuyến khi phải theo dõi các bài giảng trên nền tảng số và phải thực hiện thêm nhiều bài tập, nhiệm vụ khác có liên quan để đáp ứng được yêu cầu về tổ chức lớp học, người học còn có một rào cản lớn hơn đó là vấn đề thiếu động lực học tập và tinh thần tự giác khi học tập. Đây cũng là một vấn đề rất lớn trong quản lý nhằm đảm bảo chất lượng học tập của người học bằng cách tổ chức các lớp học ảo trên môi trường số.
Về phía giảng viên, một số nghiên cứu, khảo sát chỉ ra rằng giảng viên cũng bị thách thức bởi vấn đề tăng khối lượng công việc khi thực sự đảm nhận các lớp học trực tuyến. Trái với lớp học trực tiếp, khi giảng viên có thể giảng dạy vào một thời gian có định và xử lý toàn bộ các vấn, thắc mắc có liên quan ngay trong thời gian đó, giảng viên tham gia giảng trực tuyến còn phải theo dõi từng học viên và trả lời những thắc mắc của người học thông qua diễn đàn vào bất cứ thời gian nào trong khóa học với những yêu cầu cụ thể về thời hạn phải giải đáp các thắc mắc này.
Ngoài ra, việc thiếu các kỹ năng cần thiết để tự tổ chức, quản lý khóa học cũng là vấn đề làm ảnh hưởng đến sự hào hứng của giảng viên. Đồng thời, một bộ phận không nhỏ giảng viên có năng lực công nghệ chưa đảm bảo vẫn tin tưởng và muốn được giao các lớp học trực tiếp hơn khi tự đặt ra những nghi ngờ về chất lượng của việc học tập thông qua hình thức trực tuyến.
3.3 Về khả năng thực hiện chuyển đổi số
Trường Đại học Ngoại thương đã sẵn sàng cho việc thực hiện CĐS, trở thành Trường Đại học thông minh (2025) và Trường Đại học số (2030) vì các lý do sau đây:
Last updated
Was this helpful?