Mở đầu

Công nghiệp 4.0 và Xã hội 5.0 đã và đang định hình lại cách thức hoạt động của các tổ chức cũng như sự tương tác giữa tổ chức với cộng đồng mà nó phục vụ. Sự xâm nhập ồ ạt của các ứng dụng công nghệ (máy tính, internet) buộc các tổ chức phải thay đổi, phải số hoá quy trình, cải tiến mô hình hoạt động, kinh doanh để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu mới của thị trường.

Trong một thời gian dài, cùng với sự phát triển của công nghệ, hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, theo nhu cầu được đặt trước những cơ hội rất lớn, nhưng cũng không thiếu những thách thức.

Sự ra đời của các hệ thống có sử dụng trí tuệ nhân tạo giúp cá nhân hóa chương trình đào tạo, đưa ra những khuyến nghị về lộ trình học tập cho người học. Giáo dục được ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm hướng tới sự tối ưu hóa khả năng tiếp thu, khắc phục điểm yếu và phát huy thế mạnh riêng của từng người.

Công nghệ điện toán đám mây, internet vạn vật tạo ra cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi. Cung cấp cho người học những cơ hội tiếp cận gần hơn với các chương trình, phù hợp nhất với thời gian của người học.

Những thay đổi như vậy dẫn đến người học không thực sự phụ thuộc vào cơ sở giáo dục được đặt ở một địa điểm cố định. Những mô hình giảng dạy trực tuyến đã mở ra cơ hội cho việc học tập xuyên biên giới trên không gian mạng – tạo điều kiện thuận lợi cho người học nhưng lại là thách thức đáng kể về việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo, xác định hướng thay đổi, lộ trình thay đổi, và đặc biệt là nguồn vốn dành cho đầu tư để thay đổi.

Các cơ sở giáo dục đại học không phải không nhận thức được vấn đề này, thậm chí, nhiều cơ sở đã tiến hành chuyển dịch từng phần, tập trung vào việc thay đổi dần cách thức vận hành, bổ sung thêm các hệ thống, phần mềm… Một số cơ sở giáo dục thậm chí đã tuyên bố chuyển đổi số thành công với các mức độ khác nhau.

Đại dịch Covid-19 xảy ra với điều kiện phải thực hiện dãn cách toàn xã hội khiến tất cả các đơn vị, cơ quan doanh nghiệp và thậm chí cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức cung cấp dịch vụ công càng phải gấp rút trong công tác chuẩn hoá, tăng cường sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm để đối phó với những thách thức do đại dịch gây ra. Lĩnh vực giáo dục cũng bị tác động bởi những biến động này như một tất yếu. Trong một khoảng thời gian dài, chính các tổ chức giáo dục ở mọi cấp học, hình thức đào tạo đều phải áp dụng một phần những ứng dụng công nghệ (là sản phẩm của quá trình chuyển đổi số trước đó) vào việc giảng dạy, học tập, đánh giá người học và quản lý.

Thực tế cho thấy, việc ứng dụng đó đã mang lại những chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong quá trình nhận thức về chuyển đổi số và ứng dụng thành quả của quá trình chuyển đổi số nói chung vào các hoạt động của đời sống xã hội nói chung và giáo dục nói riêng, hình thành nên những thói quen số, kỹ năng số của cả người dạy, người học và người quản trị giáo dục.

Gần đây, sự ra đời của ứng dụng chatbot thông minh - ChatGPT một lần nữa đặt ra thách thức vô cùng lớn đối với hoạt động dạy học tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là cơ sở giáo dục đại học, khi người học ngày càng yêu cầu cao hơn, thông thạo việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng, platform khác nhau trong quá trình tìm kiếm thông tin, phục vụ việc học tập suốt đời. Việc học và tổ chức dạy học cần có sự thay đổi phù hợp với nhu cầu học tập được cá nhân hóa.

Đối với hoạt động quản lý giáo dục, song hành với quá trình chuyển đổi số của hoạt động dạy và học trên môi trường mạng, cần có những thay đổi căn bản, toàn diện về nhận thức và cách thức quản trị.

Như vậy, có thể khẳng định, chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong giáo dục nói riêng là xu hướng tất yếu, đã trở thành chính sách cụ thể và cần được triển khai trong thời gian sớm nhất.

Last updated