2.4.1 Quan điểm tiếp cận, xây dựng Đề án

a) Quan điểm tiếp cận để xây dựng khung kiến trúc Đại học số

Trên cơ sở kiến thức chung về CĐS, và nghiên cứu CĐS cho các cơ sở giáo dục nói chung và cho giáo dục đại học nói riêng, một công trình nghiên cứu về Khung chiến lược CĐS của Trường Đại học Ngoại thương đã có kết quả nghiên cứu như sau:

Tham khảo kinh nghiệm CĐS tại các trường đại học lớn trên thế giới, từ các trường đại học tại Anh cho thấy ngành giáo dục đại học ở Vương quốc Anh và Châu Âu đang áp dụng chuyển đổi kỹ thuật số để hỗ trợ động lực tuyển dụng, tăng khả năng tiếp cận và tương tác cũng như nâng cao trải nghiệm sự kiện của sinh viên và cựu sinh viên.

Nghiên cứu diển hình trường đại học Oxford đã chỉ ra rằng "Chiến lược Giáo dục Kỹ thuật số của Đại học Oxford đang thiết lập một khuôn khổ mới trong lĩnh vực giáo dục. Cách thức sinh viên trải nghiệm giáo dục tại các trường đại học đang thay đổi nhanh chóng. Các hình thức truyền thống vẫn là trọng tâm của những gì Oxford đang làm, nhưng không phải là lựa chọn duy nhất. Để duy trì vị trí hàng đầu trên thế giới về chất lượng giảng dạy, Oxford cần đánh giá các hình thức giáo dục mới, cung cấp những dịch vụ giá trị nhất và hướng dẫn cho sinh viên, cán bộ nhân viên khi họ áp dụng chúng". Chiến lược của Trường cũng xác định mục tiêu của chiến lược là đảm bảo rằng Oxford là một tổ chức hàng đầu về giảng dạy, áp dụng những đổi mới giảng dạy tốt nhất có thể thực hiện được bằng công nghệ kỹ thuật số và từ đó xác định một số lĩnh vực đột phá:

· Mở rộng các lĩnh vực kỹ thuật số sẵn có và đảm bảo rằng tất cả các phòng ban và khoa thường xuyên xem xét cách thức các phương pháp kỹ thuật số trong giảng dạy và học tập.

· Sử dụng các công nghệ kỹ thuật số thích hợp để phát triển cung cấp toàn diện hơn cho các nhu cầu học tập khác nhau

· Phát triển chức năng và khả năng sử dụng của các nền tảng kỹ thuật số quan trọng.

· Hỗ trợ sinh viên bằng cách làm cho các nguồn tài liệu phù hợp và dễ tiếp cận hơn trong học tập

· Làm rõ và thống nhất các nguồn lực cần thiết để phát triển giáo dục kỹ thuật số

Nghiên cứu đối với Trường Đại học Wolverhamton - trường đại học tự hào tuyên bố là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai một môi trường học tập ảo vào năm 1997, được gọi là Wolverhampton Online Learning Framework (WOLF) cho thấy một số đột phá trong CĐS tại Trường thể hiện ở:

· Dịch vụ và Giải pháp sẽ được thúc đẩy bởi tham vọng của Trường với vai trò kép của các dịch vụ kỹ thuật số.

· Đại sứ Truyền thông và Kỹ thuật số - sẽ là chìa khóa cho việc chuyển đổi thành công các dịch vụ và trải nghiệm kỹ thuật số của Trường.

· Trường sẽ tiếp tục đầu tư vào các kỹ năng và nguồn lực dành riêng cho chiến lược và hoạt động đảm bảo an toàn thông tin.

· Trường đảm bảo hợp tác chặt chẽ với tất cả các nhóm của Trường Đại học liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số.

· Bộ phận Dịch vụ và Hỗ trợ Dịch vụ - chuyển đổi các dịch vụ hiện có từ phản hồi nhanh sang hỗ trợ tự phục vụ và tự động nếu có thể, điều này sẽ bao gồm Trí tuệ nhân tạo để cung cấp hỗ trợ tiềm năng hiệu quả và hiệu quả nhất.

· Tạo nhóm “Kết nối” hoặc Quan hệ đối tác kinh doanh và nhà cung cấp”

Với nhóm trường đại học tại Mỹ nghiên cứu Khung chuyển đối số phân tích nhóm các trường về quản lý dữ liệu số; nhóm các trường áp dụng phương tiện số.

Kết quả nghiên cứu ở nhóm các trường về quản lý dữ liệu số = các trường đại học lớn tại Mỹ đã dẫn đầu trong lĩnh vực quản lý thư viện học thuật và đã xây dựng không chỉ một bộ sưu tập nổi tiếng thế giới mà còn cả một chương trình số hóa mạnh mẽ. Các mục tiêu đột phá trong CĐS của các trường thuộc nhóm này gồm:

· Lập kế hoạch quản lý dữ liệu

· Hoạt động hỗ trợ quản lý dữ liệu

· Lựa chọn và lưu giữ dữ liệu

· Truy cập công cụ lưu trữ kho dữ liệu và

· Dịch vụ lưu trữ dữ liệu.

Kết quả nghiên cứu kể trên cũng chỉ ra một số trường lựa chọn chiến lược ưu tiên tập trung vào việc triển khai các hệ thống tương tác nhằm tăng trải nghiệm cho sinh viên. Ngoài ra, các trường cũng cung cấp các công cụ kỹ thuật số, phát triển chuyên môn và hỗ trợ cần thiết cho giảng viên trong việc giảng dạy và nghiên cứu. Kỹ thuật số xuyên suốt mọi quy trình hỗ trợ và cung cấp các trải nghiệm giáo dục phong phú cho phép giảng viên và sinh viên nghiên cứu sáng tạo, tăng cường đổi mới và chia sẻ kiến thức. Mục tiêu của các chiến lược này nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa CNTT với phần còn lại của trường đại học, sử dụng kỹ thuật số như một cầu nối giữa các sinh viên, trường học, khoa và đơn vị hành chính.

Ngoài ra, công trình cũng nghiên cứu thêm nhiều điển hình của các Trường Đại học Trung quốc, Nhật Bản và một vài trường đại học ở Việt Nam.

Trên cơ sở các nghiên cứu, phân tích kết hợp với việc nghiên cứu các kiến trúc nền tảng của trường đại học số, nghiên cứu cấu trúc tổng quát trường đại học trong tương quan với Chiến lược phát triển của trường Đại học Ngoại thương và nghiên cứu các khung CĐS cơ sở giáo dục đại học, đề tài này đã xây dựng Khung chiến lược CĐS của Trường Đại học Ngoại thương.

Khung chiến lược CĐS của Trường Đại học ngoại thương được xây dựng năm 2022 đã xác định rõ cấu trúc tổng quát trường đại học CĐS. Mục tiêu của khung CĐS là đưa ra một hình dung tổng thể, từ đó làm căn cứ để tiếp tục triển khai chi tiết trong từng giai đoạn. Lộ trình chuyển đổi trong khung CĐS mang tính gợi ý nguyên tắc tổng thể, lộ trình này có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào điều kiện triển khai thực tế và mô hình ngôi nhà CĐS FTU.

Ngôi nhà được thiết kế 03 tầng: 1) tầng nền tảng; 2) tầng trụ cột; và 3) tầng chuyển đổi. Phần nóc của ngôi nhà là phần dẫn dắt về sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược, đặc biệt là chiến lược CĐS với các giá trị số.

Với mô hình Ngôi nhà nhà, công trình xác định rõ 3 lớp nền tảng gồm:

- Lớp nền tảng văn hóa truyền thống và văn hóa số theo đó, quá trình hình thành văn hóa số dựa trên việc định vị các giá trị số và quá trình phát triển năng lực của tổ chức để thực hiện các giá trị này.

- Lớp hạ tầng viễn thông và CNTT đảm bảo sự kết nối phục vụ cho quá trình CĐS. Công trình cũng gợi ý, tại lớp này, tổ chức cần thiết kế hệ thống thông tin tổng thể và chuẩn bị cơ sở hạ tầng thích hợp với từng giai đoạn đồng thời nghiên cứu các phương án tổ chức cơ sở dữ liệu để phục vụ cho quá trình chuyển đổi.

- Lớp thứ 3 trong nền tảng bắt đầu khởi động của quá trình số hóa và mở rộng ứng dụng các công cụ kỹ thuật số vào hoạt động của tổ chức. Ở lớp này, thông thường trước tiên sẽ phải thực hiện tinh gọn và chuẩn hóa trước khi tiến hành số hóa các quy trình hoạt động, sau đó, tổ chức sẽ mở rộng khả năng áp dụng các công cụ số vào công việc.

Việc lựa chọn và lộ trình mở rộng ứng dụng phụ thuộc vào chiến lược của tổ chức còn số hoá và mở rộng ứng dụng số – được xem như là những bước khởi đầu chuẩn bị cho quá trình CĐS. Các ứng dụng số thường được hiểu là các thuật toán, công cụ kỹ thuật số, các phần mềm, các ứng dụng với mục tiêu thuận lợi hóa và nâng cao hiệu suất hoạt động.

Mô hình Ngôi nhà CĐS của Trường Đại học Ngoại thương trên 3 trụ cột chính, gồm: 1) sản phẩm và dịch vụ dựa trên nền công nghệ số hướng tới phục vụ khách hàng; 2) con người số với các năng lực số, lãnh đạo số, văn hóa số; 3) tổ chức và quá trình tập trung hoàn thiện cơ cấu doanh nghiệp số, vận hành số, quy trình số. Công trình cũng nêu rõ, FTU có thể tùy biến lựa chọn các trụ cột sao cho phù hợp và các trụ cột này khi hoạt động thì có mối liên kết chặt chẽ với nhau và không có trụ cột nào có thể đứng độc lập tách biệt.

Hình: Ngôi nhà Đại học thực số FTU

Về Quản trị số Trường Đại học Ngoại thương, công trình chỉ rõ quá trình quản trị bắt đầu từ việc xây dựng và chuẩn hóa hệ thống quy trình hoạt động. Các quy trình trung tâm gắn liền với quá trình xuyên suốt tạo ra các dịch vụ chính của tổ chức như: đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ người học và dịch vụ cộng đồng. Các hoạt động hỗ trợ cũng được thiết kế thành quy trình và gắn kết với các hoạt động chính tạo nên một chỉnh thể thống nhất.

Số hóa là quá trình tin học hóa các quy trình này thông qua các công cụ số, thường là các phần mềm chuyên dụng cho từng loại hình hoạt động hoặc một nhóm hoạt động. Đây là giai đoạn số hóa từng phần. Trên cơ sở số hóa, công trình khuyến nghị ở bước tiếp theo, tổ chức sẽ thực hiện tích hợp các quá trình được số hóa theo các trụ cột hoặc theo các loại hình hoạt động chính và được coi là giai đoạn đồng bộ hóa từng phần với kết quả là hình thành các trục kết nối số hoặc các Trung tâm điều hành số. Các trung tâm này thực chất là một bản sao số quá trình vận hành của một trụ cột, hoặc một trục dịch vụ chính, giúp nhìn xuyên thấu các hoạt động, thu thập dữ liệu, phân tích, dự báo và hỗ trợ ra quyết định quản trị, nâng cấp trình độ tự động hóa. Tiếp tục tích hợp các trục số hoặc các Trung tâm điều hành số để tạo ra một hệ thống kỹ thuật số thống nhất và hoàn chỉnh, thường gọi là đồng bộ hóa toàn phần. Có nhiều giải pháp kỹ thuật để thực hiện quá trình này, nhưng về cơ bản là tổ chức cần hình thành các nền tảng số.

Trên cơ sở mô hình trên, công trình đã đề xuất khung chiến lược CĐS như hình dưới đây:

Hình: Khung chiến lược chuyển đổi số của Trường Đại học Ngoại thương

Ngoài ra, khung chiến lược được xây dựng cũng chỉ ra một lộ trình chuyển đối số của Nhà trường.

Hình: Lộ trình chuyển đổi số của Trường Đại học Ngoại thương

Với lộ trình các giai đoạn CĐS này cho thấy, hoạt động CĐS của Trường đang thực hiện từng phần, các nội dung công việc của mỗi giai đoạn đều đã được bắt đầu triển khai và đang manh nha hình thành văn hóa số tại Trường.

Ngoài ra, công trình cũng chỉ ra Hệ thống các dịch vụ giáo dục của FTU có thể tập trung vào các nhóm chính, gồm: 1) dịch vụ đào tạo với nhiều nhóm đối tượng khác nhau; 2) dịch vụ nghiên cứu tập trung vào công bố quốc tế và nghiên cứu ứng dụng và 3) dịch vụ chuyển giao tri thức và hoạt động thúc đẩy cộng đồng đổi mới sáng tạo.

Quá trình làm mới và chuyển đổi dịch vụ sẽ được thiết kế dựa trên chiến lược của nhà trường với mục tiêu hướng tới một đại học đổi mới sáng tạo, trung tâm tri thức dẫn đầu trong giáo dục số. Đích đến của các mô hình dịch vụ số là tăng cường trải nghiệm khách hàng và cá nhân hóa giá trị. Đây cũng là những giá trị số căn bản mà quá trình CĐS hướng tới.

Một điểm quan trọng và là kết quả đạt được của công trình là đưa ra những gợi ý về Giá trị số theo đó các giá trị số cơ bản mà FTU hướng tới gồm:

+ Tăng cường trải nghiệm khách hàng

+ Cá nhân hóa giá trị và phát triển hệ sinh thái sáng tạo mở.

Các giá trị số của FTU gắn liền với các giá trị cốt lõi, phát triển các giá trị cốt lõi trong môi trường thực – số mới, tạo ra các giá trị mới dựa trên sức mạnh của công nghệ kỹ thuật số.

Đề án kế thừa các kết quả nghiên cứu này để tiếp tục xây dựng mô hình kiến trúc của Trường Đại học Ngoại thương.

b) Quan điểm tiếp cận để xây dựng thang đo đánh giá mức độ CĐS tại Trường

Trên thế giới, để đánh giá mức độ CĐS, các tổ chức/doanh nghiệp thường sử dụng một số mô hình trưởng thành kỹ thuật số (Digital Maturity Model) được mô tả trong bảng dưới đây.

Mô hình trên giúp đánh giá trạng thái CĐS trong mỗi tổ chức. Mô hình trưởng thành kỹ thuật số bao gồm các thành phần khác nhau như mức độ trưởng thành (Maturity Level), những mô tả cho từng cấp độ trưởng thành, các yếu tố hoặc thực tiễn tốt nhất được liên kết với các khía cạnh và mô tả cho từng yếu tố ở mỗi cấp độ trưởng thành. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình đánh giá này ở các trường đại học là khá hiếm. Các mô hình hiện tại bị giới hạn do hệ thống thông tin trong các trường vẫn chưa phát triển.

TT

Đơn vị

tư vấn

Mô hình trưởng thành kỹ thuật số

Khía cạnh đề cập

1.

Accenture

Đánh giá năng lực kỹ thuật số (DCA)

- Chiến lược và Lãnh đạo

- Con người và Văn hóa

- Sản phẩm và dịch vụ

- Trải nghiệm khách hàng

- Hỗ trợ Doanh nghiệp

2.

BCG

Chỉ số tăng tốc kỹ thuật số (DAI)

- Chiến lược kinh doanh dựa trên kỹ thuật số

- Số hóa cốt lõi

- Tăng trưởng kỹ thuật số - mới

- Hỗ trợ kỹ thuật số

3.

Deloitte

Digital Maturity Model

- Khách hàng

- Chiến lược

- Công nghệ

- Hoạt động

- Tổ chức và văn hóa

4.

EY

Đánh giá mức độ sẵn sàng kỹ thuật số (DRA)

- Chiến lược, đổi mới và tăng trưởng

- Trải nghiệm khách hàng

- Chuỗi cung ứng và hoạt động

- Công nghệ

- Rủi ro và an ninh mạng

- Tài chính, pháp lý và thuế

- Con người và tổ chức

5.

KPMG

Đánh giá mức độ sẵn sàng kỹ thuật số (DRA)

- Phát triển và mua sắm

- Sản xuất

- Tiếp thị

- Bán hàng

6.

McKinsey

Năng lực kỹ thuật số (DC)

- Thông tin chi tiết theo hướng dữ liệu

- Trải nghiệm khách hàng

- Tiếp thị kỹ thuật số

- Hoạt động hỗ trợ kỹ thuật số

- Công nghệ thế hệ tiếp theo

- Bộ hỗ trợ kỹ thuật số

7.

PWC

Đánh giá mức độ trưởng thành (MA)

- Các mô hình kinh doanh kỹ thuật số và tiếp cận khách hàng

- Số hóa các sản phẩm và dịch vụ

- Số hóa và tích hợp chuỗi giá trị dọc và ngang

- Dữ liệu và phân tích là khả năng cốt lõi

- Kiến trúc công nghệ thông tin linh hoạt

- Tuân thủ, bảo mật, pháp lý và thuế

- Tổ chức, nhân viên và văn hóa kỹ thuật số

Bảng: Tổng hợp một số mô hình trưởng thành kỹ thuật số

Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành các chỉ số đánh giá mức độ CĐS ở cấp Quốc gia (24 chỉ số), cấp Tỉnh (98 chỉ số) và cấp Bộ (70 chỉ số). Phương pháp đánh giá: tự đánh giá của các Tỉnh/các Bộ và dựa trên đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các chỉ số đánh giá được phân bổ trong 6 nhóm bao gồm: Hoạt động CĐS (500 điểm), Nhận thức số (100 điểm), Thể chế số (100 điểm), Hạ tầng số (100 điểm), Nhân lực số (100 điểm), An toàn thông tin mạng (100 điểm).

Với cách tiếp cận trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 4740/QĐ-BGDĐT ngày 30/12/2022 về Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá CĐS cơ sở giáo dục đại học.

Bộ chỉ số này được áp dụng cho các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cấu trúc Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá CĐS trường đại học gồm 02 nhóm tiêu chí thành phần như sau:

- Nhóm tiêu chí “Chuyển đổi số trong đào tạo” gồm các nội dung yêu cầu về ban hành kế hoạch đào tạo trực tuyến, Quy chế đào tạo trực tuyến; Triển khai phần mềm đào tạo trực tuyến; Triển khai hệ thống thư viện điện tử/thư viện số; Triển khai CĐS công tác khảo thí; Phát triển nguồn nhân lực CĐS; Có hệ thống hỗ trợ đào tạo trực tuyến; Có Hệ thống phòng lab, phòng CNTT đa chức năng.

- Nhóm tiêu chí “Chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục đại học” gồm các nội dung yêu cầu về việc Cơ sở giáo dục đại học thành lập bộ phận chỉ đạo, phụ trách, triển khai ứng dụng CNTT, CĐS; Ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT, CĐS; Ban hành quy chế đảm bảo an toàn thông tin; quy chế quản lý, vận hành, sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin trong cơ sở giáo dục đại học; triển khai phần mềm quản trị cơ sở giáo dục đại học; Triển khai các dịch vụ trực tuyến; Hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ quản trị, điều hành…

Bộ chỉ số cũng xác định các mức độ CĐS trường đại học được đánh giá theo từng nhóm tiêu chí thành phần, thang điểm 100, gồm 03 mức độ:

+ Mức chưa đáp ứng: Tổng điểm của mỗi nhóm tiêu chí dưới 50. Ở mức này, cơ sở giáo dục đại học chưa đáp ứng các yêu cầu cơ bản về triển khai CĐS.

+ Mức đáp ứng cơ bản: Tổng điểm của mỗi nhóm tiêu chí từ 50 đến 75. Ở mức này, các cơ sở giáo dục đại học đã đáp ứng yêu cầu cơ bản về triển khai CĐS.

+ Mức đáp ứng tốt: Tổng điểm của mỗi nhóm tiêu chí trên 75. Ở mức này, các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng tốt các yêu cầu cơ bản và một số yêu cầu nâng cao về triển khai CĐS.

Đề án tiếp cận và xây dựng các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn nhằm đảm bảo mức độ CĐS của Nhà trường theo bộ chỉ số này đạt ở Mức đáp ứng tốt, tiệm cận ở cận trên 80/100 điểm cho mỗi nhóm tiêu chí.

Last updated